Mẹ và Bé

Tâm lý trẻ sẽ tiêu cực nếu bố thường xuyên nói những câu này

Advertisement

Tâm lý trẻ sẽ tiêu cực nếu bố thường xuyên nói những câu này

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm lý trẻ nhỏ sẽ bất ổn và tiêu cực, ảnh hưởng đến tương lai khi mà bố của chúng thường xuyên nói ra những câu kiểu như: “Đi mà tìm mẹ mày, đừng làm phiền bố với những việc như thế”,….hoặc đại loại như vậy và những câu nói này cũng góp phần đẩy đứa trẻ cách xa, không tình cảm với bố của chúng.

Không ít gia đình hiện đại vẫn đặt nặng suy nghĩ đàn ông là để lo “công to việc lớn”, về nhà không cần làm gì cả, việc nhà của đàn bà. Một số khảo sát cho thấy nhiều người đàn ông châu Á vẫn suy nghĩ việc nhà, trong đó việc nuôi dạy con cái là của phụ nữ, con ngoan là nhờ mẹ, mà con hư cũng là tại mẹ.

Trên thực tế, vai trò của người bố trong gia đình và việc nuôi dạy con là lớn ngang bằng người mẹ. Lời nói, hành xử của bố có tác động trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển tư duy của trẻ. Những lời nói như vô tình của cha có thể làm tổn thương trẻ nặng nề và lâu dài, đặc biệt là 4 câu sau:

1. “Sao con có thể ngu dốt thế, nhìn bạn kia mà học”

Trẻ em luôn muốn được sự khuyến khích, cổ động. Càng khuyến khích sự đam mê của trẻ, chúng càng thực hiện công việc tốt hơn. Nhiều người cha không ý thức được điều này mà luôn so sánh con mình với con người khác bằng những câu nói đại loại: “Sao con ngu dốt thế, nhìn vào con nhà người ta rồi xem lại mình xem”… Dù người bố cho rằng việc so sánh này là sự mài giũa trẻ, thúc đẩy trẻ tiến bộ, nhưng phương pháp này chỉ phản tác dụng, khiến sự tự tin của trẻ bị thui chột.

Sau một thời gian dài, trẻ tự ti, cho rằng mình không làm được gì ra hồn vì “bố đã nói thế”. Khi trưởng thành, trẻ bị hạn chế năng lực bởi chính ý thức bố áp đặt.

Thay vì những câu nói mang tính áp đặt, chê bai, tốt nhất bố nên đồng hành cùng trẻ tìm hiểu công việc, sửa sai, sự chung tay này sẽ tạo động lực và góp phần tăng sự tự tin cho trẻ.

2. “Tự mà làm đi, bố không biết/bố không quan tâm”

Trong mắt trẻ, bố luôn là một hình tượng cao lớn, là “siêu nhân”, có thể giúp trẻ giải quyết mọi vấn đề. Khi trẻ gặp rắc rối, người đầu tiên nó muốn nhờ giúp đỡ hẳn nhiên là bố.

Tuy nhiên, nhiều ông bố gạt phăng đề nghị của con, thậm chí quát nạt: “Tự làm đi, bố không biết/bố không quan tâm”. Câu nói này khiến trẻ cảm thấy bất lực, không tìm thấy chỗ dựa, vì bố đã không giúp đỡ, nói gì tới người khác.

Về lâu dài, trẻ hèn nhát, không dám lên tiếng đề nghị hỗ trợ, thậm chí sai cũng không dám nói với bố mẹ mình. Nếu người bố vì không có kiến thức ở lĩnh vực nào đó, tốt hơn là cùng con mày mò, tìm hiểu kiến thức, thay vì nói “bố không biết”, vì câu này cho thấy cả sự hạn hẹp trong hiểu biết lẫn sự lười tìm kiếm thông tin, trở thành tấm gương không tốt cho đứa trẻ.

3. “Nhà không có tiền”

Nhiều ông bố tằn tiện thái quá, thậm chí từ chối mọi nhu cầu của con. Sau nhiều lần bị từ chối, đứa trẻ sẽ nghĩ rằng mình không được đòi hỏi, yêu cầu bất cứ thứ gì liên quan đến tiền. Về lâu dài, quan niệm về tiền bạc của trẻ trở nên sai lệch, trẻ cũng không có tư duy về việc kiếm tiền và quản lý tiền bạc, tương lai thật khó trở thành một người có năng lực kiếm tiền.

Bên cạnh đó, việc cha luôn than vãn không có tiền khiến trẻ hình thành sự so sánh bố mình với bố đứa trẻ khác và suy nghĩ rằng bố là người thất bại. Tâm lý của trẻ sẽ phát triển theo hai hướng: Thứ nhất là tự ti giữa mọi người, thứ hai là đặt ra cho mình mục tiêu phải kiếm được nhiều tiền hơn bố bằng mọi giá, đây được đánh giá là sự phát triển kém lành mạnh, được cho là hại nhiều hơn lợi.

Thay vì đề cập quá thẳng thắn về tình hình tài chính gia đình với con, nên khuyến khích con bằng cách nhắc con học hành chăm chỉ, để mai sau có thể cải thiện thu nhập cho bản thân.

4. “Đi mà tìm mẹ mày, đừng làm phiền bố với những việc như thế”

Câu nói này của người bố thực sự là một sự thể hiện vô trách nhiệm. Con cái là do bố mẹ sinh ra, thế nhưng bố lại dồn trách nhiệm lên mẹ. Về lâu dài, lời nói và hành xử này của bố sẽ tác động lớn đến sự phát triển tư duy, cảm xúc của trẻ. Sau thời gian, trẻ tự động rời xa bố, sự giao tiếp giữa cha và con cái ngày càng thấp đi, đứa trẻ thậm chí biến mình thành kẻ ích kỷ, khi không muốn đối diện sẽ sẵn sàng nói lời phũ phàng, thậm chí trở thành bản sao của bố trong tương lai.

Trong gia đình, điều trẻ cần là một người cha có trách nhiệm, có thể cùng con đối mặt và giải quyết các vấn đề khó khăn, chứ không phải là trốn tránh, đùn đẩy nó cho mẹ. Thế nên, nếu bạn muốn xây dựng hình ảnh người cha tốt trong mắt con cái và đặc biệt là muốn con cái phát triển lành mạnh, hãy là bờ vai vững vàng cho trẻ, thay vì nói những lời tiêu cực, ảnh hưởng tới bé.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.