Công nghệ

TikTok và nửa thập kỷ áp đảo mạng xã hội

Advertisement

Chỉ trong 5 năm, TikTok “gây nghiện” khắp thế giới, khiến Thung lũng Silicon phải chạy theo và cơn đau đầu đối với các nhà lập pháp.

Tháng 11/2017, ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh, đã chi gần một tỷ USD để mua lại Musical.ly, ứng dụng hát nhép được giới trẻ yêu thích. Năm 2018, ByteDance gom các tính năng của Douyin – ứng dụng thịnh hành ở Trung Quốc – với Musical.ly để tạo thành TikTok và giới thiệu ra toàn cầu.

Ngay từ đầu, TikTok hoạt động khác những mạng xã hội đang thịnh hành. Thay vì hiển thị cho người dùng các bài đăng từ bạn bè và người họ theo dõi, TikTok lại gợi ý cho người dùng video “có thể họ sẽ thích” từ các nhà sáng tạo nội dung xa lạ trên thế giới. Thuật toán bí mật của TikTok tìm cách “đọc suy nghĩ” của người dùng, phân tích họ muốn gì để hiển thị video liên tục. Người dùng càng ở lại ứng dụng lâu, Bytedance càng kiếm được nhiều tiền.

Tháng 9/2021, TikTok thông báo nền tảng video ngắn đã đạt một tỷ người dùng hàng tháng chỉ sau ba năm ra mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia bắt đầu đặt câu hỏi về mặt trái của thuật toán. AI giữ chân người dùng trên ứng dụng hàng giờ như một kiểu gây nghiện. Trong số hàng triệu nội dung được tiêu thụ, có không ít video gây hại, đặc biệt với trẻ vị thành niên.

TikTok nổi tiếng từ trào lưu hát nhép nhưng thật sự bùng nổ khi Covid-19 bắt đầu. Theo Sensor Tower, tính đến giữa đại dịch, TikTok đã thu hút hơn 200 triệu lượt tải ở Mỹ. Khi nền tảng này trở nên phổ biến hơn, nhiều chuyên gia an ninh lo ngại nó có thể là ứng dụng gián điệp của Trung Quốc. Quân đội Mỹ đã cấm nhân viên tải ứng dụng. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, TikTok suýt bị cấm cửa hoàn toàn.

Giờ đây, trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, nỗ lực hạn chế mạng xã hội này lại quay lại. Một số nhà lập pháp và các nhà quản lý truyền thông đang tìm cách phát động phong trào cấm TikTok. Từ ứng dụng hát nhép vui vẻ, ngày nay ý tưởng TikTok có thể biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng hoặc ngừng hoạt động ở Mỹ nghe có vẻ vô lý với hàng triệu người. Nhưng nhiều nhà lập pháp xem đây là nhiệm vụ chưa hoàn thành từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Đáp lại các cáo buộc, TikTok khẳng định họ chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bản cập nhật mới, TikTok cho biết nhân viên Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng ở Mỹ. Điều này làm dấy lên lo ngại trong giới an ninh và lập pháp. Còn với người dùng, đây không còn là vấn đề lớn, khi không một làn sóng tẩy chay hay phản đối nào diễn ra. Điều này cho thấy TikTok đã bám rễ sâu vào đời sống người dùng như thế nào chỉ sau 5 năm ra mắt.

Ngày nay, TikTok vẫn thống trị danh sách nền tảng truyền thông xã hội được dùng nhiều nhất. Người Mỹ trưởng thành dành trung bình 49 phút mỗi ngày cho TikTok, trong khi Instagram là 30 phút. Từ một tân binh xa lạ, TikTok càn quét khắp Thung lũng Silicon và buộc các gã khổng lồ như Facebook và YouTube phải “học theo”. Tuy nhiên, thuật toán của các hãng công nghệ Mỹ vẫn chưa đủ hấp dẫn người dùng bằng AI của TikTok.

CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.