Giá tăng đang ngày càng tăng chóng mặt. Nhiều người tiêu dùng hoang mang và e ngại khi lương và các khoản thu nhập không theo nổi giá xăng và các mặt hàng thiết yếu tăng giá. Vậy mỗi lít xăng phải chịu bao nhiêu thuế là băn khoăn của rất nhiều người. Thực tế thì cứ 1 lít xăng sẽ phải chịu tiền thuế + phí lên đến 12.000 đồng tương đương với 35% giá bán lẻ xăng hiện nay.
Trong 2 tháng, giá bán lẻ xăng trong nước đã năm lần lập đỉnh. Gần nhất, hôm 21/6, mỗi lít xăng RON 95-III tăng lên mức cao nhất lịch sử, là 32.870 đồng. Sau 16 đợt điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng giá, hiện mỗi lít xăng RON 95-III đã đắt thêm 9.000 đồng, còn E5 RON 92 là 8.150 đồng so với hồi đầu năm nay. Đáng kể nhất, dầu diesel – loại nhiên liệu dùng nhiều trong vận tải, đã tăng thêm gần 11.800 đồng so với thời điểm 11/1.
Mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 – 2.000 đồng (sau khi được giảm 50% từ 1/4 năm nay). Tức là ngoài giá nhập khẩu về cảng, ước tính tỷ trọng thuế trong cơ cấu tính giá xăng dầu khoảng 30%. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển… khoảng 4-5%.
Tuy nhiên, trong cơ cấu tính thuế giá bán lẻ xăng dầu vẫn có hiện tượng tính thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế VAT được đánh 10% trên giá bán ra, và cơ cấu giá bán đã gồm các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường.
Thuế VAT = (giá CIF nhập khẩu + thuế nhập khẩu 10% + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + chi phí định mức + lợi nhuận định mức) * 10%.
Tiếp đến, giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá CIF và thuế nhập khẩu.
Vài kỳ điều hành gần đây, nhà chức trách đã ngừng trích 300 đồng một lít xăng vào Quỹ bình ổn xăng dầu, nên trong cơ cấu tính thuế VAT hiện không gồm số tiền này.
Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện nay “cõng” khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường, tương ứng tỷ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%.
Thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50%, tức 1.900-2.000 đồng một lít với xăng từ 1/4 đến hết năm nay, song trước biến động giá thế giới vẫn đi lên theo chiều thẳng đứng, việc giảm thuế này cho thấy không có nhiều tác dụng.
“Sẽ tính toán để giảm thêm thuế cho xăng, dầu” là khẳng định được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra khi trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8/6.
Sau câu nói này của bộ trưởng, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 đồng với dầu. Đây cũng là mức giảm “kịch kim” của sắc thuế này theo thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tương tự lần trước, đề xuất giảm thuế này của Bộ Tài chính bị các chuyên gia chê ít. Thậm chí họ cho rằng, cơ quan quản lý đang đề xuất giảm thuế với xăng, dầu “cho có”.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bình luận, giảm thêm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng với xăng sẽ không có nhiều tác dụng với đà đi lên chưa biết điểm dừng của giá thế giới hiện nay. Ông rằng cơ quan quản lý nên tính toán giảm thêm các loại thuế khác, thay vì “lần nào cũng đề xuất giảm thuế môi trường”.
Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý với Bộ Tài chính, nhận xét giảm thuế bảo vệ môi trường lúc này “có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”. Nhưng cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu khi vấn đề này thuộc thẩm quyền Chính phủ và có thể thực hiện trong tháng 7.
Theo VCCI, các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là cam kết về mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Tức là, các FTA vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết.
“Bộ Tài chính cần cân nhắc kỹ hơn phương án giảm thuế nhập khẩu hoặc giải thích rõ vì sao không chọn phương án này”, VCCI đề nghị.
Ngoài ra, về lâu dài cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, sau khi đánh giá tác động kỹ việc này.
CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.