Bài học sống

Cách giúp cha mẹ nuôi dưỡng sự gắn kết với con cái

Advertisement

Mọi cha mẹ đều có ngôn ngữ yêu thương của riêng mình. Trong đó, tôn trọng và thấu hiểu là “cầu nối” vững chắc nhất để đến gần trái tim con, giúp gia đình luôn gắn kết.

Tôn trọng

Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con cái dù lớn khôn vẫn luôn bé bỏng và chưa thể quyết định mọi việc trong cuộc sống. Đi từ tâm lý này, nhiều cha mẹ thường thay con quyết định mọi thứ, thậm chí cả tương lai mà quên rằng con cũng có ước mơ và mong muốn của riêng mình. Để làm bạn với con cái, cha mẹ cần quan tâm đến suy nghĩ, tôn trọng quan điểm sống cũng như những điều con muốn làm và muốn thử trên mọi ngã rẽ cuộc đời. Khi ấy, con sẽ thêm động lực để thực hiện điều mình ấp ủ, trưởng thành cùng những quyết định tự thân.

Thấu hiểu

Dù ở độ tuổi nào, ai cũng có nhu cầu được lắng nghe và thấu hiểu. Đôi khi giãi bày mọi suy nghĩ bên trong là cách giải tỏa đơn giản nhất, cũng là con đường ngắn nhất để chạm đến trái tim người thân yêu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc hiểu con có lẽ là đề bài khó nhất của cha mẹ. Để con mở lòng, cha mẹ cần chọn phương thức trò chuyện phù hợp, giúp con cảm thấy thoải mái và sẵn sàng giãi bày, kiên nhẫn lắng nghe với “bộ lọc” không định kiến. Bằng việc lắng nghe, cha mẹ hiểu hơn các vấn đề mà con gặp phải, từ đó dành thời gian suy nghĩ thấu đáo cách trò chuyện, ứng xử để đến gần trái tim con.

Động viên

Những lời động viên, sự đánh giá đúng mức của cha mẹ sẽ khuyến khích con thêm cố gắng và phát huy tốt khả năng, từ đó đạt mục tiêu đề ra với tâm lý thoải mái, không áp lực. Lời động viên cũng giúp con hiểu rằng chúng luôn được cha mẹ tin tưởng, dõi theo và cổ vũ bằng tất cả tình yêu thương. Về lâu dài, những lời nhắn nhủ này sẽ trở thành “sức mạnh nội tâm” để con vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

Gợi mở

Khi đối mặt vấn đề và bày tỏ cần giúp đỡ, lúc này, con đã đủ tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ những gì đang trải qua để nhận sự hỗ trợ từ cha mẹ. Cha mẹ có thể đặt bản thân vào vị trí của con để giúp con tư vấn hướng giải quyết. Những chia sẻ trong vai trò người đi trước sẽ giúp con có thêm góc nhìn khách quan, từ đó dễ dàng gỡ rối. Dù vậy, cha mẹ không nên áp đặt con cái vào “khung” kinh nghiệm của bản thân. Thay vào đó, hãy gợi ý để con tự cân nhắc và đưa ra lựa chọn dựa trên mong muốn cá nhân.

Hành động yêu thương

Bí quyết để “cây tình bạn” giữa cha mẹ và con luôn xanh tốt là bày tỏ yêu thương. Với những phụ huynh thuộc tuýp “ngại nói, thích làm”, ý tưởng về tấm thiệp viết tay, món trang sức con thích từ lâu… là lựa chọn đáng cân nhắc. Trong đó, món trang sức hàm chứa ý nghĩa sâu sắc về gia đình là ý tưởng tuyệt vời “thay lời muốn nói”, giúp con cái hiểu thấu tấm lòng của cha mẹ.

Bao dung

Trong quá trình trưởng thành, con cái có thể mắc sai lầm, thậm chí, có những hành vi sai trái mà bản thân không nhận ra. Lúc này, cha mẹ nên cư xử bao dung, góp ý và cho con thời gian sửa đổi. Cách làm này giúp con luôn cảm nhận được tình yêu thương, đồng thời mong muốn được chia sẻ và lắng nghe ý kiến từ người thân, biết sống bao dung với những người xung quanh.

Thừa nhận

Khi đối mặt mâu thuẫn, thay vì chỉ trích con cái lập tức, cha mẹ cần nhìn nhận bản thân, thừa nhận sai lầm và sửa sai – nếu có. Qua đó, cha mẹ sẽ làm gương cho con cái trên hành trình hoàn thiện tính cách và nhận thức. Việc im lặng sau mâu thuẫn không giúp bạn giải quyết tận gốc vấn đề, thậm chí khiến trái tim con cái thêm cách xa. Nếu có thể, bạn nên ngồi lại và cùng con nhìn nhận câu chuyện theo nhiều góc độ, từ đó tìm ra tiếng nói chung cũng như dung hòa quan điểm cá nhân.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.