Thông Tin Doanh Nghiệp

Lý do doanh nghiệp vừa + nhỏ ngại chuyển đổi số

Advertisement

Mặc dù thời đại công nghệ 4.0 thì việc chuyển đổi số là vấn đề cần thiết để doanh nghiệp có thể hòa nhập cùng cộng đồng nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số vì một số lý do như hạn chế về tài chỉnh, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin, thiếu nhân lực nội bộ, sợ rò rỉ dữ liệu, tập quán khó thay đổi, khó tích hợp công cụ nội bộ,…

Xác định đúng bài toán cần giải là một trong ba vấn đề lớn khi chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), theo ông Trịnh Ngọc Bảo – nhà đồng sáng lập và giám đốc vận hành nền tảng quản trị công ty Base. Nếu không tìm ra những vấn đề, khúc mắc của doanh nghiệp, sẽ khó áp dụng công nghệ vào quá trình quản lý và vận hành hệ thống.

Từ xuất phát điểm chưa chuẩn xác, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp dễ lệch hướng. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhóm SMEs thường chọn cách đứng ngoài câu chuyện vốn mang tính quốc gia về phát triển kinh tế.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (Vinasa), tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% SMEs gặp khó khăn về vốn, nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào năm 2020 cũng cho thấy, chi phí ứng dụng công nghệ cao là rào cản số một của SMEs.

Ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital cho rằng bản chất vấn đề nằm ở việc doanh nghiệp chưa xác định được bài toán chuyển đổi số. Việc này dễ khiến họ lãng phí chi phí đầu tư và thử nghiệm, đặc biệt với SMEs khi nhóm này vốn có nguồn lực tài chính và nhân sự hạn chế.

Ngoài mối nguy về tài chính, việc chưa nắm rõ bức tranh toàn cảnh, doanh nghiệp sẽ dễ triển khai chuyển đổi số một cách rời rạc. Sau khi giải quyết các bài toán ở từng bộ phận, doanh nghiệp lại không thể kết nối các hệ thống này với nhau để tạo thành một quy trình, hoạt động hoàn chỉnh trên môi trường số.

Đồng thời, việc này còn khiến doanh nghiệp không xây dựng được niềm tin và tầm nhìn chung trong đội ngũ nhân sự. Dần dà, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do chuyển đổi số chỉ là vấn đề của một vài bộ phận hay phòng ban cụ thể, thay vì là vấn đề chung của một tổ chức.

Để khắc phục, đại diện FPT Digital cho rằng doanh nghiệp cần bám vào 3 khía cạnh chính để xác định bài toán chuyển đổi số bao gồm cải thiện hoạt động vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng trên môi trường số và tích lũy dữ liệu để mang đến mô hình kinh doanh mới. “Đối với SMEs, việc nâng cao trải nghiệm khách hàng sẽ là bài toán thường được ưu tiên nhất, vì việc này giúp tạo nguồn thu trực tiếp mới cho doanh nghiệp, trong khi tiết kiệm được nguồn lực tài chính và con người”, ông Minh lý giải.

Bổ sung vào chủ đề này, ông Trịnh Ngọc Bảo cho rằng các doanh nghiệp cần hiểu rõ chuyển đổi số phải “đi sát sườn với nỗi đau, đau ở đâu giải quyết chỗ đấy”. Khi xác định đúng vấn đề cần giải, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra trơn tru hơn.

Không có công cụ chung cho tất cả doanh nghiệp, đại diện Base vẫn cho rằng nếu tuân thủ đúng nguyên lý khoa học, những vấn đề nảy sinh sẽ dễ được giải quyết bằng công nghệ. Theo ông, SMEs có thể tham khảo ba công thức: quy trình hóa toàn bộ doanh nghiệp, vận dụng công nghệ để giám sát và kiểm chứng tính khả thi của quy trình, dữ liệu hóa các kết quả thu được và từ đó cải tiến quy trình hoạt động của công ty.

Ông Bảo lưu ý các doanh nghiệp cần tránh tư duy “mua phần mềm về sử dụng đã là chuyển đổi số”. Theo ông, nếu không có quy trình vận hành khoa học, việc sử dụng phần mềm chỉ để sinh ra các loại báo cáo, những dữ liệu không chuẩn xác. Từ đó, doanh nghiệp tự sinh ra vòng lặp khó thể giải quyết.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Minh cho rằng nhóm SMEs cần cân đối nguồn lực thực hiện bởi tài chính không quá dồi dào như nhóm doanh nghiệp lớn. Do đó, nhóm này cần tập trung cho các hạng mục ưu tiên và các sáng kiến mang tính “đánh nhanh thắng nhanh”…

Nhưng chính bởi tính tinh gọn của mình, theo ông, các doanh nghiệp lại có lợi thế về quy trình quản trị và tính linh hoạt thích ứng trước những thay đổi. Đại diện FPT Digital cho rằng, đây là lợi thế rất lớn bởi ở các doanh nghiệp có quy mô rộng hơn, việc tham gia của các tầng lãnh đạo, nhất là các lãnh đạo cấp cao sẽ rất khó khăn và phức tạp.

“Nếu thực hiện thành công, chuyển đổi số sẽ tạo nền tảng cho SMEs phát triển các mô hình dịch vụ, sản phẩm mới dựa trên dữ liệu và công nghệ hiện đại, từ đó sớm vươn mình thành doanh nghiệp lớn”, ông Minh nói.

CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.