Mẹ và Bé

Trả tiền để con làm việc nhà, nên hay không nên?

Advertisement

Trả tiền để con làm việc nhà, nên hay không nên là băn khoăn của khá nhiều phụ huynh hiện nay. Hành động này có những ưu điểm mà phụ huynh có thể cân nhắc để tăng cường tính tự giác của trẻ.

Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ưu điểm của phương pháp trên nhằm thúc đẩy khả năng làm việc nhà của trẻ. Thay vì phải nhắc đi nhắc lại những việc trẻ phải làm mỗi ngày, trả tiền có thể giúp chúng tự giác hơn. Một ưu điểm khác là giúp trẻ thấu hiểu hơn ý nghĩa của việc kiếm tiền cũng như hiểu được để có được mọi thứ trong cuộc sống, ai cũng phải nỗ lực làm việc.

“Tuy nhiên, việc thuê trẻ làm việc nhà chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Nếu bố mẹ cứ duy trì cách trả tiền, trẻ rất dễ bị hiểu sai lệch về trách nhiệm cá nhân trong gia đình và cộng đồng”, chuyên gia nói.

Bà Hương nhận định, trẻ sẽ nhanh chóng chán sau những hứng khởi ban đầu, thậm chí hành vi này còn gây nhiều hệ lụy về sau. Theo đó, trẻ sẽ mặc nhiên coi việc nhà là của cha mẹ, bản thân không có trách nhiệm gì ở đó. Khi có việc phát sinh, chúng sẽ lập tức đòi tiền công mới thực hiện mà không xuất phát từ sự tự giác.

Hệ lụy thứ hai là không hình thành được cho trẻ thói quen lao động và ý thức trách nhiệm trong công việc. Trẻ làm mọi thứ vì tiền mà không coi đó là nghĩa vụ của mỗi thành viên trong gia đình.

Cuối cùng là trẻ sẽ không tôn trọng giá trị lao động, chỉ thực hiện vì lý do lợi nhuận. Đặc biệt, chúng sẽ không trân trọng những đóng góp công sức của cha mẹ dành cho gia đình, từ đó có thể sẽ xuất hiện những hành vi bị đánh giá là ích kỷ.

Trường hợp này chị Lành đã trải qua. Gần đây nhất vào Tết Dương lịch, cả gia đình về quê nội chơi. Thấy ông bà dọn vườn, người mẹ sai con gái làm cùng nhưng cô bé hỏi: “Con được trả bao nhiêu cho công việc này”.

Trước sự ngạc nhiên của bố mẹ chồng, chị Lành nói rằng việc trả tiền chỉ là sự khích lệ để cô bé làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng đến hôm sau, khi mẹ sai cọ rửa nhà vệ sinh, thấy bẩn nên con gái từ chối với lý do: “Giờ con không cần tiền nên mẹ tự đi mà làm”.

Với gia đình chị Hoa, từ ngày trả tiền cho con trai làm việc nhà coi như tiền tiêu vặt với mục đích giúp con “hiểu giá trị lao động”, cậu bé lại nghĩ tiền là tất cả. Bất kỳ ai ngoài mẹ nhờ giúp đỡ cậu đều quy ra tiền, nếu không mang lại lợi ích liền từ chối. Thời gian sau đó, cậu bé lớp 7 bị bạn bè cô lập, phụ huynh khác cũng ngăn cấm cho chơi cùng bởi “đó là người bạn không tốt, chẳng ai kiếm tiền từ chính cha mẹ mình cả”.

Ở trường hợp gia đình chị Hoa, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM không phản đối cách bố mẹ trả tiền cho con làm việc nhà mà coi như khoản tiêu vặt. Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia cần phải dạy trẻ hiểu rằng, làm việc nhà không phải để nhận phần thưởng mà vì trẻ đang giúp đỡ chính gia đình mình.

“Đó là điều bắt buộc với mỗi thành viên, và cha mẹ nên sử dụng tiền tiêu vặt như một công cụ giáo dục mà không phải tiền lương”, bà Minh nói.

Nữ chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính khiến trẻ lười làm việc nhà bắt nguồn từ sự giáo dục của cha mẹ khi không hình thành thói quen lao động sớm cho trẻ. Ở tuổi 2-3, trẻ rất thích tìm tòi khám phá nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tai nạn nếu không được cha mẹ theo sát và hướng dẫn cụ thể. Với nhiều phụ huynh, thấy độ nguy hiểm cao như vậy nên không muốn con động tay mà tự mình làm, lâu dần khiến bản năng muốn giúp đỡ của trẻ mất dần. Từ đó, trẻ sẽ rơi vào trạng thái ỷ lại và ích kỷ.

B Minh cho rằng để trẻ tự giác san sẻ việc nhà, cha mẹ cần nói rõ cho trẻ việc nhà là trách nhiệm chung của mọi thành viên, không của riêng ai. Bằng cách xây dựng thói quen làm việc nhà, trẻ cũng học được cách tự chăm sóc bản thân ngay khi còn nhỏ.

“Cha mẹ phải phân công rõ ràng và đặt quy định phạt nếu có thành viên nào chểnh mảng. Mọi người đều phải thực hiện nghiêm túc mọi quy định đã có, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ”, bà Minh gợi ý.

Ngoài phân công nhiệm vụ, để tăng động lực làm việc nhà cho trẻ, cha mẹ nên khen thưởng con thông qua sự công nhận, đánh giá cao. So với phần thưởng vật chất, đây là cách tốt hơn để trẻ trải nghiệm giá trị và niềm hạnh phúc khi giúp đỡ cha mẹ. Trong tâm lý học, cách làm này gọi là “củng cố tích cực”, được coi như trao phần thưởng để khuyến khích và thỏa mãn sau khi đối tượng thực hiện một hành vi. Loại củng cố này liên quan đến việc bày tỏ sự ghi nhận đối với hành vi nhằm thỏa mãn đối tượng.

“Ngoài sự ghi nhận đánh giá, cha mẹ có thể trao phần thưởng bằng những cái ôm hay các hoạt động ngoài trời mỗi dịp rảnh rỗi. Điều quan trọng nhất là luôn nhấn mạnh với trẻ việc nhà là nhiệm vụ và trách nhiệm, không phải cứ làm là sẽ được bố mẹ cho tiền”, bà Minh nói.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.