“Một cơn ác mộng” là cách James McNeil, 38 tuổi, điều hành công ty cho thuê ôtô, mô tả trải nghiệm khi làm việc với những nhân viên trẻ tuổi.
Sau khi đăng tuyển nhân sự, McNeil nhận được đơn ứng tuyển của các ứng viên và tiến hành lên lịch phỏng vấn. “Nhưng họ không đến, đến muộn hoặc đến mà cực kỳ thiếu chuẩn bị. Họ không biết gì về việc họ đang làm và đến để làm gì”, anh nói.
Jade Arnell, 36 tuổi, làm việc trong lĩnh vực marketing, cho biết hiện nay nhân viên giỏi nhất công ty cô là một người thuộc Gen Z. Tuy nhiên, Arnell đã sa thải bốn nhân viên khác cũng trong độ tuổi này vì họ không phải người đáng tin.
Arnell mô tả trải nghiệm của cô với Gen Z là “khá tệ”. Đặc thù công việc kinh doanh tiếp thị của công ty cô rất linh hoạt, giúp người lao động có quyền tự do về thời gian làm việc. Nhưng Arnell cho rằng nhân viên đang lợi dụng văn hóa này.
“Họ muốn mọi thứ mà không mang lại điều gì. Họ dường như không quan tâm đến bất kỳ ai ngoài không gian và trải nghiệm cá nhân, những thứ họ cần và muốn. Họ có vẻ không màng đến lợi ích chung”, cô nhận định.
Điều tồi tệ nhất với Arnell là nhiều nhân sự chơi cả ngày rồi hoàn thành công việc lúc 3h sáng trong tình trạng say khướt, sau đó không thể làm việc. “Cho đến khi đạt một độ tuổi nhất định, tôi nghĩ họ không thể làm việc từ xa mà cần đến văn phòng. Dù tuyên bố muốn tự do và linh hoạt nhưng bản thân họ không tuân thủ kỷ luật”, cô nói.
Gen Z là những người sinh từ 1997-2012, hiện ở độ tuổi 12-27. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, họ dự kiến chiếm 1/4 lực lượng lao động vào năm 2025. Vì vậy, đón đầu nhân sự thế hệ này vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp.
Trong báo cáo về thế hệ này, mạng lưới dịch vụ kiểm toán đa quốc gia Deloitte viết: “Khi ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1974) nghỉ hưu, Gen Z sẽ thay thế, mang đến một thế giới quan và quan điểm hoàn toàn khác về sự nghiệp cũng như cách thành công tại nơi làm việc”.
Deloitte mô tả đây là nhóm có hiểu biết truyền thông xã hội, nhận thức, chủ động tìm kiếm các cơ hội học tập để nâng cao kỹ năng và mong muốn các cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát năm 2023 của Resume Builder với hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy gần 3/4 nhà quản lý nhận thấy Gen Z là những người khó cộng tác nhất.
49% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thường xuyên cảm thấy thất vọng trong quá trình làm việc cùng thế hệ này. Chỉ 4% số người được hỏi cho biết chưa bao giờ gặp trở ngại khi giám sát nhóm nhân viên này. Gen Z cũng đã trở thành nhóm người tạo nên nhiều xu hướng mới tại nơi làm việc, đặc biệt là các phong trào phản đối công việc.
Không chỉ có vậy, 65% người tham gia khảo sát thừa nhận đuổi việc nhân viên Gen Z nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 12% sa thải trong chưa đầy một tuần nhận việc, 27% trong một tháng.
Với McNeil, một số người thuộc Gen Z hầu như không thể vượt qua một cuộc phỏng vấn, chưa bàn đến việc có thể thực hiện các kỹ năng phức tạp. “Vấn đề lớn nhất là ngôn ngữ họ sử dụng. Họ khá tiêu cực”, anh nói.
McNeil cho rằng khi tìm việc nên nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực, nhưng Gen Z thường đưa ra nhận xét về công việc cũ rất tồi tệ. “Họ nói ‘quản lý của tôi rất tệ, tôi ghét điều đó’. Với tư cách nhà tuyển dụng, tôi sẽ từ chối ngay lập tức”, McNeil nói.
Anh tuyển được hai nhân viên Gen Z cho vị trí có thu nhập 35.000 bảng một năm. Nhưng cả hai lần trong ngày đầu tiên, nhân viên không xuất hiện. “Họ không trả lời điện thoại, không trả lời email, không gì cả”, anh nói và cho biết những người khác sợ nghe điện thoại và nghĩ mọi thứ chỉ nên được thực hiện bằng email hoặc tin nhắn.
“Đặc thù công việc bán hàng phải thực hiện qua điện thoại, email là thứ yếu. Nhưng họ không muốn nhấc máy nói chuyện vì không thích trò chuyện hoặc đối mặt trực tiếp. Họ giỏi công nghệ nhưng không giỏi kỹ năng sống”, McNeil nhận định.
Từ kinh nghiệm, McNeil và Arnell cảnh giác hơn. Họ mất nhiều thời gian hơn để phỏng vấn tuyển dụng.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, gen Z lớn lên nhờ mạng xã hội và những người có ảnh hưởng, những người khuyến khích họ trở thành con người thật của mình nên nói chuyện và ăn mặc theo cách bình dân hơn. Trong khi đó, đồng nghiệp và nhà tuyển dụng lớn tuổi cho rằng như vậy là thiếu chuyên nghiệp.
Shoshanna Davis, 27 tuổi, người sáng lập một công ty tư vấn giúp những người trẻ và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ làm việc tốt hơn, cho biết khi tương tác với gen Z, cô thấy họ rất tham vọng. “Đôi khi tôi nhận được phản hồi từ khách hàng rằng họ quá tham vọng”, cô nói.
Tuy nhiên, theo Davis, có thể nhà tuyển dụng hiểu nhầm khi nghĩ tân binh trẻ yêu cầu thăng chức và hưởng quyền lợi quá nhanh, trong khi thực tế chỉ đơn giản là họ khát khao điều đó.
CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.