Theo các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy xu hướng nhảy việc để tăng lương ở Nhật Bản tăng ngày càng cao. Cứ 10 người thì hơn 3 người chọn thay đổi chỗ làm để được tăng lương trên 10%.
Theo Nikkei Asia, mức lương tại Nhật Bản đang tăng lên nhờ xu hướng nhảy việc. Trong tháng 2, lương trung bình dành cho các ứng viên ở độ tuổi trung niên đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào năm 2022, cứ 100 người chuyển việc thì có tới 33 người được nhận mức lương cao hơn 10%. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay.
Lương tăng khi chuyển việc
Một kỹ sư công nghệ thông tin 28 tuổi, làm việc tại Simplex Holdings, đã được tăng lương 15% lên 7 triệu yen/năm (tương đương 51.600 USD) sau khi anh này chuyển việc vào mùa thu năm ngoái. Nơi làm việc cũ của anh là một tập đoàn lớn. “Tôi đang cố gắng cải thiện các kỹ năng của mình, để đóng góp tương xứng với mức lương nhận được”, anh nói với Nikkei Asia.
Simplex Holdings thuê khoảng 110 nhân sự đã có kinh nghiệm lâu năm trong năm tài chính 2022. Công ty đang lên kế hoạch tuyển dụng nhiều hơn trong năm nay. Những nhân viên này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở rộng kinh doanh của tập đoàn.
“Ngày càng nhiều nhân viên rời bỏ các công ty lớn để tìm việc làm ở những nơi khác”, ông Hideki Kaneko – Chủ tịch của Simplex – cho biết. “Để thu hút các nhân tài hàng đầu, chúng tôi cũng phải đưa ra mức lương hàng đầu”, ông nói thêm.
Trong thời kỳ đại dịch, số người tìm kiếm việc làm mới đã sụt giảm. Nhưng xu hướng này giờ đang đảo ngược. Các dữ liệu chỉ ra số lượng nhân sự đã có kinh nghiệm nhảy việc trong năm 2022 tăng 30% so với năm 2019, và cao gấp đôi năm 2015.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, vào năm 2022, trung bình có 3,03 triệu người lao động thay đổi công việc mỗi tháng, tăng 130.000 người so với năm trước đó.
Số người nhảy việc tăng mạnh vào nửa cuối những năm 2010, đạt mức kỷ lục 3,53 triệu vào năm 2019, trước khi giảm xuống dưới 3 triệu trong đại dịch.
Xu hướng nổi bật
Nhảy việc để được tăng lương đang trở thành xu hướng nổi bật. Theo Recruit, mức lương đã tăng từ 10% trở lên đối với khoảng 33% người lao động nhảy việc trong năm 2022, tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2010.
Trước đây, tại Nhật Bản, một người nhảy việc có thể phải nhận mức lương thấp hơn. Bởi nhân viên mới thường được giao các nhiệm vụ không quan trọng, còn những nhân sự lâu năm sẽ đảm nhận các công việc cốt lõi.
Theo một nghiên cứu, chỉ 10% người lao động tại Nhật Bản được nhảy sang những công việc có trách nhiệm cao hơn. Để so sánh, tỷ lệ này lên tới 40-50% tại Mỹ và Trung Quốc. Nhưng xu hướng này đã thay đổi hoàn toàn. Các công ty đang giành giật nhau những tài năng hàng đầu.
Theo một phân tích dựa trên các dữ liệu của HRog, trong tháng 2, những việc làm trống đang đề nghị mức lương trung bình 5,31 triệu yen mỗi năm, tăng 2,9% so với một năm trước đó và hơn 6% so với hồi năm 2021. Xu hướng tăng lương được thể hiện rõ trong ngành tài chính và truyền thông – thông tin. Trong tháng 2, mức lương đề xuất trên các bài đăng tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm đã tăng vọt 14% so với hai năm trước đó. Còn ngành thông tin và truyền thông ghi nhận mức tăng 10% cùng kỳ.
Nhằm thu hút nhân tài, các công ty trong lĩnh vực tài chính và một số ngành khác đang thay đổi cơ cấu trả lương. Chẳng hạn, Sompo Holdings áp dụng hệ thống trả lương cho người lao động dựa trên kỹ năng và khối lượng công việc thay vì thâm niên.
Dù vậy, tỷ lệ nhảy việc tại Nhật Bản vẫn thấp hơn so với Mỹ và châu Âu. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trung bình, một nhân viên tại Nhật Bản sẽ làm việc cho một công ty trong 12 năm, lâu hơn 1,4-3 lần so với ở Anh và Mỹ.
Trên thực tế, tỷ lệ nhảy việc và tốc độ tăng lương có một mối quan hệ nhất định. Tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát tại Nhật Bản cao hơn trung bình 0,17% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2021.
Để so sánh, tỷ lệ này là 1,66% ở Mỹ và 0,81% tại Anh. Trên thực tế, mức lương ở Nhật Bản thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.