Mẹ và Bé

Trẻ gặp phản ứng sau tiêm thì phải làm sao?

Advertisement

Sau tiêm phòng nếu trẻ gặp phản ứng sau tiêm thì cần phải theo dõi sát sao, cho uống thuốc giảm đau, hạ sốt, chườm ấm để giảm các triệu chứng và đừng quên đưa ngay đến trạm y tế để kịp thời được xử lý nếu thấy những dấu hiệu bất thường. 

Các phản ứng có thể chăm sóc tại nhà

Sốt: Khi trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước hơn, lau mát bằng nước ấm, ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt phù hợp, ví dụ paracetamol. Với trẻ có bệnh tim mạch, viêm phổi hoặc tiền sử sốt cao co giật, gia đình nên dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ.

Vết tiêm sưng đỏ: Vết tiêm có triệu chứng đỏ, sưng hoặc sưng tại khớp xương gần chỗ tiêm nhất, có thể kéo dài trên 3 ngày và thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến một tuần. Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc giảm đau điều trị triệu chứng cho trẻ.

Bầm tím: Một số trường hợp có thể gặp vết tiêm bị bầm tím sau tiêm vaccine do tình trạng xuất huyết do giảm tiểu cầu, thường nhẹ và có thể tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc và truyền tiểu cầu.

Đau khớp: Trẻ bị đau khớp dai dẳng trên 10 ngày hoặc thoáng qua trong tối đa 10 ngày, có thể tự khỏi. Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị triệu chứng bằng thuốc giảm đau tại nhà.

Choáng: Giảm phản xạ, choáng trong vòng 48 tiếng sau tiêm với biểu hiện mệt lả, giảm đáp ứng là những biểu hiện có thể gặp sau tiêm vaccine, thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Các biểu hiện thường thoáng qua và tự khỏi, không cần điều trị.

Phản ứng khác: Vaccine BCG ngừa bệnh lao khiến vị trí tiêm sưng, kích thước có thể to trên 1,5cm, có mủ, xuất hiện hốc rỉ dịch. Đây là triệu chứng thông thường và có thể kéo dài trong vòng 2 đến 6 tháng sau khi tiêm. Hầu hết các trường hợp sẽ tự lành và không cần điều trị. Cha mẹ lưu ý không cố nặn dịch ra khỏi vết sưng hoặc tự ý đắp các loại lá lên vết sưng. Nếu tổn thương dính vào da hoặc bị rò rỉ, phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để được rạch dẫn lưu và điều trị vết thương.

Phản ứng cần đưa đến cơ sở y tế

Theo bác sĩ Kim Phượng, các phản ứng nặng và sớm rất hiếm gặp, thường xuất hiện trong và ngay sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Vì vậy, theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng là nguyên tắc vàng để được xử trí kịp thời. Sau đó, phụ huynh cần theo dõi trẻ thêm ít nhất 48 tiếng tại nhà.

Sốc phản vệ: Phản ứng này rất hiếm gặp, thường xuất hiện trong hoặc ngay sau tiêm. Các triệu chứng có thể nhận biết như kích thích, vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, phù, huyết áp tụt có khi không đo được, khó thở, nghẹt thở, đau quặn bụng, đi ngoài không tự chủ, đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê, choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật. Nhân viên tiêm chủng cần lập tức dừng chích ngừa, tiến hành cấp cứu sốc phản vệ và chuyển bé đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.

Các phản ứng quá mẫn cấp tính: Phản ứng này thường xuất hiện trong vòng 2 tiếng sau tiêm với một hoặc nhiều triệu chứng như khò khè, ngắt quãng, phát ban, phù nề ở mặt, hoặc phù nề toàn thân. Gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí.

Quấy khóc: Sau tiêm, trẻ có biểu hiện quấy khóc là bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ khóc thét không nguôi, dai dẳng trên 3 giờ kèm theo la hét, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất và có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp này thông thường sẽ dịu đi sau một ngày.

Theo dõi 30 phút tại trung tâm tiêm chủng để phòng các phản ứng sau tiêm sớm và nặng cho trẻ. Ảnh: Tuyết Huỳnh
Theo dõi 30 phút tại trung tâm tiêm chủng để phòng các phản ứng sau tiêm sớm và nặng cho trẻ. Ảnh: Tuyết Huỳnh

Các triệu chứng khác: Gia đình đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện tái xanh, tím tái, khó thở hoặc bất tỉnh, co giật toàn thân kèm theo dấu hiệu hoặc không; các triệu chứng rối loạn ý thức, thay đổi hành vi, giảm sức cơ thoáng qua xuất hiện lặp lại, kéo dài…

Lưu ý khi lựa chọn cơ sở tiêm chủng

Phụ huynh cần lựa chọn trung tâm tiêm chủng an toàn, chất lượng để bảo vệ sức khỏe của bé và việc tiêm vaccine đạt hiệu quả. Trong đó, cơ sở tiêm chủng phải được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo đủ điều kiện để tiêm chủng cho trẻ và người lớn; đáp ứng được điều kiện bảo quản vaccine nghiêm ngặt từ 2 đến 8 độ C và điều kiện bảo quản đặc thù như chống tia UV hoặc bảo quản âm sâu ở âm 70 độ C với một số loại vaccine.

Quy trình tiêm chủng đảm bảo đúng quy chuẩn, an toàn từ khâu khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm. Ở khâu khám sàng lọc, phụ huynh cần cung cấp đầy đủ lịch sử tiêm chủng, bệnh lý nền, tiền sử dị ứng của bé để bác sĩ đưa ra chỉ định phù hợp.

Tiêm chủng phải đảm bảo an toàn, phụ huynh phải được nhân viên y tế cung cấp đầy đủ thông tin nguồn gốc vaccine và cách theo dõi sau tiêm. Bé cần theo dõi sau tiêm tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để phòng các phản ứng nặng và sớm sau tiêm.

Vaccine được bảo quản an toàn chất lượng trong hệ thống kho lưu trữ và dây chuyền lạnh. Phần lớn vaccine cần được bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Nếu quá trình vận chuyển không đảm bảo chặt chẽ về yêu cầu nhiệt độ, vaccine sẽ nhanh chóng hư hỏng, giảm hoặc mất hiệu lực.

Bên cạnh đó, đơn vị tiêm chủng cần có bộ phận hỗ trợ chăm sóc sau tiêm tại nhà. Phản ứng sau tiêm ở mỗi trẻ có thể khác nhau dù tiêm cùng một lọ vaccine, phụ thuộc vào thể trạng và bệnh lý nền. Việc hướng dẫn kịp thời cách xử trí từ cơ sở tiêm chủng và đội ngũ bác sĩ là cần thiết đối với phụ huynh.

CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.