Mặc dù từng là startup đắt giá nhất Đông Nam Á, nhưng hiện nay số vốn hóa của Grab hiện chỉ là 13 tỷ USD, con số này thực tế thì chỉ bằng phân nửa GoTo Group – công ty mẹ của Gojek mà thôi.
Nhiều năm qua, Grab và GoTo – công ty mẹ Gojek đối đầu trong một cuộc chiến tốn kém để giành vị trí thống trị trong khu vực. Tuy nhiên, cả hai đều đang lỗ và vài tháng gần đây phải cố thuyết phục các nhà đầu tư về tiềm năng kiếm tiền của họ sau khi IPO.
Nhờ giá cổ phiếu giảm ít hơn, vốn hóa của GoTo hiện còn khoảng 26 tỷ USD, trong khi Grab chỉ là 13 tỷ USD. Cả hai sẽ công bố báo cáo tài chính quý vài ngày tới.
Grab hiện vẫn coi Singapore là thị trường lớn nhất, ngay cả khi đã mở rộng sang các quốc gia như Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, GoTo đang giữ vị trí dẫn đầu tại thị trường này, vốn là quê nhà của họ.
Indonesia có dân số 270 triệu người. Người tiêu dùng tại đây quen thuộc với việc mua sắm trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Tokopedia, gọi xe và đặt đồ ăn thông qua ứng dụng Gojek.
Tiềm năng tăng trưởng của Indonesia đã giúp GoTo vượt mặt Grab. Công ty lên sàn Jakarta hồi tháng 4 và giá cổ phiếu đến nay đã mất khoảng 3%. Grab thì niêm yết tại Mỹ và mất 60% giá trị từ khi niêm yết.
“GoTo có lợi thế là thương hiệu nội địa và sàn thương mại điện tử Tokopedia. Điều này cho phép hãng công nghệ lớn nhất Indonesia giữ thị phần giao đồ ăn trước sự cạnh tranh của Grab – công ty hiện dẫn đầu lĩnh vực này ở Đông Nam Á, và cải thiện lợi nhuận”, Nathan Naidu, Chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, đánh giá.
Dù vậy, Grab cũng đang dần chiếm ưu thế ở lĩnh vực giao đồ ăn tại đây. Năm ngoái, Grab chiếm 49% thị trường giao đồ ăn Indonesia, nhỉnh hơn so với 43% của GoTo, theo Momentum Works.
CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.