Sức khoẻ

Nguy cơ đột quỵ do nắng nóng

Advertisement

Khi thời tiết nắng nóng, việc tắm hoặc vào phòng lạnh đột ngột sau khi đi nắng, mất nước, chệch lệch nhiệt độ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, bạn cần lưu ý đến điều này để bảo vệ sức khỏe của bản thân nhé.

Ngày 15/5, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, dẫn chứng riêng trong tháng 4, số bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại bệnh viện Tâm Anh tăng 15% so với tháng trước và tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.

Theo bác sĩ Minh Đức, thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ tăng cao bất thường, có thể cao hơn thân nhiệt con người gây khó thở hơn, nhịp tim nhanh. Thân nhiệt tăng tỷ lệ thuận với thời gian tiếp xúc kéo dài với nắng nóng. Tình trạng này còn dễ dẫn đến buồn nôn, đau đầu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Nắng nóng làm mất nước dễ cô đặc máu, thay đổi huyết áp nên người có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, bệnh đường hô hấp, người già ăn uống kém dễ bị đột quỵ hơn.

Trời nắng nóng, nhiều người có thói quen tắm nước lạnh khi vừa về nhà, ra nhiều mồ hôi. Số khác ra vào phòng lạnh đột ngột hay ngồi trước quạt gió mạnh khi từ ngoài nắng về. Điều này dẫn đến chênh lệch nhiệt độ đột ngột, khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt hoạt động quá mức, làm tăng áp lực đến hệ tim mạch, thần kinh.

Sự chênh lệch nhiệt đột bất ngờ dễ làm mạch máu co lại, bong tróc các mảng xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ nhồi máu não. Tình trạng này làm trương lực mạch máu tăng cao gây tăng huyết áp, có thể vỡ mạch máu não dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.

Các trường hợp đột quỵ cấp cứu tại bệnh viện Tâm Anh gần đây, đa số đều do thân nhiệt thay đổi đột ngột trên nền mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì.

Như ông An, tiền căn tăng huyết áp, bất ngờ méo miệng, liệt nửa người phải sau khi đi giao hàng về. Gia đình gọi cấp cứu, bệnh viện Tâm Anh cử đội cấp cứu ngoại viện nhanh chóng đến tận nhà sơ cứu, đánh giá bệnh. Ngay trên đường chuyển viện, đội cấp cứu thông báo khẩn về bệnh viện khởi động sẵn quy trình Code Stroke (y lệnh khẩn dành riêng cho cấp cứu đột quỵ), ưu tiên mở lối đi riêng, sẵn sàng máy móc chụp chiếu, xét nghiệm, đẩy nhanh thời gian xử lý cứu người bệnh.

Kết quả chụp MRI ghi nhận ông An bị tắc mạch máu não, được dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch ngay tại phòng chụp. Sau hai giờ, ông hồi phục tốt.

Tùy thể loại đột quỵ (thường được xác định nhanh thông qua chụp CT sọ não) mà người bệnh được can thiệp bằng phương pháp khác nhau. Với đột quỵ nhồi máu não do mạch máu não tắc nghẽn, bác sĩ cho người bệnh dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Với đột quỵ xuất huyết não (do mạch máu não bị vỡ), bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ và bít tắc mạch máu đang vỡ.

Theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, hiện nay nhờ ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật, thiết bị, máy móc chuyên dụng hiện đại, bác sĩ có thể nâng cao hiệu quả mổ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não. Trong đó, ENRICH là kỹ thuật mổ cấp cứu đột quỵ thức tỉnh mới được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá cao.

Tại bệnh viện Tâm Anh, bác sĩ ứng dụng robot trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều thiết bị hiện đại khác như định vị thần kinh Neuro-Navigation AI, kính vi phẫu có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới mổ cấp cứu thành công nhiều ca đột quỵ trong thời gian qua.

Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp, càng để lâu người bệnh càng có nguy cơ cao gặp biến chứng nghiêm trọng, tử vong. Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói ngập ngừng hoặc không nói được, đau đầu, mờ mắt…, người thân hoặc người xung quanh nên đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất có khả năng cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo người suy giảm miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, béo phì, tiểu đường… nên hạn chế đi ra đường hoặc làm việc ngoài trời khi nắng nóng. Hạn chế hoặc tránh các trường hợp làm thay đổi nhiệt độ mạnh mẽ. Nên tầm soát đột quỵ định kỳ nhằm truy tìm sớm mọi yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới đột quỵ, chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả.

CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.