Công nghệ

Những may rủi khi mua Note 8 rẻ còn hợp đồng với nhà mạng

Advertisement

Nếu mua phải máy chưa hết hợp đồng và người bán không đóng đủ tiền cho nhà mạng, người mua sẽ phải đối mặt nguy cơ bị khóa máy bất cứ lúc nào.

Việc mua điện thoại trả dần theo gói cước di động vốn phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, hình thức này có thể bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.

‘Máy mới mua 2 ngày, còn bảo hành mà, lo gì’

Anh Nam Nguyên (ngụ An Giang) vừa đăng tải lên một nhóm Facebook về trường hợp mua nhầm điện thoại chưa dứt hợp đồng với nhà mạng. Theo anh Nguyên, ngày 10/11, anh mua lại chiếc Galaxy Note 8 từ một trang rao vặt. Người bán cam kết với anh “máy mới mua 2 ngày, còn bảo hành mà, lo gì”.

Kiểm tra thấy tình trạng máy như mới, an tâm với chính sách bảo hành một đổi một trong 30 ngày cộng thêm sự hối thúc của người bán nên anh Nguyên chỉ xem số IMEI, thời hạn bảo hành. Sau đó, anh trả số tiền 17,5 triệu đồng (rẻ hơn máy mới 5 triệu đồng) cho người bán.

Đến khi mang máy về nhà, anh Nguyên khởi động lại máy thì phát hiện chiếc Galaxy Note 8 vừa mua là máy hợp đồng sử dụng gói cước của nhà mạng Vietnamobile, bán thông qua FPT Shop. Người bán lại cho anh Nguyên chưa thanh toán đầy đủ theo thỏa thuận với FPT Shop.

Những may rủi khi mua Note 8 rẻ còn hợp đồng với nhà mạng
 Màn hình của máy còn hạn hợp đồng sẽ hiển thị thông báo về tình trạng máy cũng như các cảnh báo.

Theo gói hợp đồng này, người mua sẽ được giảm giá máy 8 triệu (nếu trả góp 0% sẽ trừ thẳng vào khoản trả trước), đi kèm gói cước FPT888 duy trì 12 tháng. Mỗi tháng người dùng sẽ phải thanh toán gói cước điện thoại là 888.000 đồng. Nếu chậm thanh toán 15 ngày, máy sẽ bị khóa, không thể sử dụng.

Không chỉ Vietnammobile và FPT Shop, những máy Galaxy Note 8 mua theo diện hợp đồng gói cước từ nhà mạng Viettel và bán qua Viettel Store cũng có ràng buộc tương tự. Hiện có ba sản phẩm được Samsung cung cấp biện pháp quản lý này là Galaxy Note 8, S8 và J7 Pro.

Những may rủi khi mua Note 8 rẻ còn hợp đồng với nhà mạng
 Người dùng mua máy Samsung cũ cần lưu ý máy hợp đồng có mục “Khôi phục cài đặt gốc” bị làm mờ đi và vô hiệu quá tính năng này.

Theo đó, phần mềm quản lý trên máy có tên Knox. Khi khởi động lại, máy sẽ hiện thông báo về tình trạng hợp đồng của máy và yêu cầu không “mua bán/chuyển nhượng/phá hủy máy để tránh bị khóa, không sử dụng được”. Bên cạnh đó, phần mềm còn chặn khôi phục cài đặt gốc của máy.

Nhiều người dùng khá hoang mang với cách quản lý này của phía nhà mạng. “Nhiều người không rành về công nghệ, đi mua máy không kiểm tra được sẽ dễ chịu cảnh tiền mất tật mang như mình. Chỉ vì ỷ lại máy mới mua 2 ngày nên mình không tiến hành khởi động lại và giờ phải nơm nớp lo sợ chủ cũ không thanh toán, máy sẽ bị khóa”, anh Nguyên chia sẻ.

Hiện FPT Shop và Viettel Store chưa có phương án gì để đối phó với việc người mua Galaxy Note 8 có hợp đồng với nhà mạng bán “sang tay” lại cho người khác với giá rẻ và “quỵt” tiền mua máy.

CÁC BÀI VIẾT TRÊN WEBSITE ĐƯỢC TỔNG HỢP TỪ NHIỀU NGUỒN TRÊN MẠNG XÃ HỘI, INTERNET. CHÚNG TÔI KHÔNG CUNG CẤP, KHÔNG KINH DOANH TRÊN CÁC THÔNG TIN NÀY.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.